Bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ trong ngày Tết

Những ngày cuối năm, người người nhà nhà nô nức chuẩn bị cho Tết nguyên đán 2018. Lại là dịp nghỉ dài nhất trong năm nên không tránh khỏi nhịp sinh hoạt sẽ xáo trộn so với ngày thường. Tuy vậy, giữ sức khỏe là việc vô cùng quan trọng, nhất là đối với các gia đình có trẻ nhỏ. Dù tất bật với việc chuẩn bị đón Tết hay các cuộc vui gặp mặt. các chuyến du lịch xa, bố mẹ cũng đừng quên ghi vào sổ tay những lưu ý sau để bảo vệ sức khỏe tốt cho bé yêu của mình trong những ngày này nhé!
Giữ nhịp sinh học cho trẻ sơ sinh
Với trẻ sơ sinh, việc bảo đảm cho bé “ăn” đúng giờ, giữ nhịp sinh học như ngày thường rất quan trọng vì hệ tiêu hóa của bé còn non nớt. Những sự xáo trộn sẽ khiến bé có thể bị sốc vì các mẹ nên nhớ rằng, trẻ con cần nhiều thời gian hơn người lớn để thích ứng với sự thay đổi. Vì thế, bố mẹ hãy lưu ý giữ đúng giờ ăn, ngủ, chơi của trẻ điều độ như thường nhé.

Giữ nhịp sinh học điều độ cho trẻ trong ngày Tết

Nếu mẹ còn cho con bú, hãy lưu ý đến lượng thức ăn ngày Tết mẹ nạp vào cơ thể. Như dân gian thường nói “mẹ ăn con bú”,  một phần chất dinh dưỡng trong thức ăn của mẹ sẽ chuyển hóa vào sữa. Vì thế, hãy bảo đảm hệ tiêu hóa của bé khỏe  mạnh bằng chế độ dinh dưỡng lành mạnh như ngày thường các mẹ nhé! Với các bà mẹ đang cho con bú, hãy tuyệt đối nói không với bia, rượu, cà phê và những chất kích thích khác dù là ngày Tết. Tiết giảm các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều chất bảo quản, giàu năng lượng, khó tiêu như lạp xưởng, thực phẩm đóng hộp, nước ngọt…
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng thì giờ ngủ, nghỉ ngơi của bé cũng cần được bảo đảm. Tránh cho bé thức khuya hay phải chịu đựng nhiều tiếng ồn trong một thời gian dài vì sẽ khiến bé vô cùng khó chịu, căng thẳng.

Cho trẻ nhỏ vui chơi lành mạnh
Với trẻ nhỏ, bạn có thể cho trẻ vui chơi, cảm nhận không khí Tết cùng gia đình nhưng cũng không thể mặc định “người lớn sao, người nhỏ vậy” được. Đặc biệt là nguy cơ béo phì, dư năng lượng rất dễ xảy ra vào kì nghỉ lễ dài này, trẻ ăn uống thoải mái, mất kiểm soát lại ít vận động hơn. Mẹ nên cân đối dinh dưỡng cho bé. Ví dụ bé đã ăn một lát bánh chưng to thì chỉ nên cho bé ăn kèm rau và uống nước lọc. Nếu bé đã uống một ly nước ngọt thì bữa chính nên hạn chế món xúc xích béo ngậy và thay vào đó là đĩa salad hoa quả.

Cân đối giữa ăn uống và vận động của trẻ nhỏ trong dịp Tết

Với những gia đình có dự định đi du lịch xa hay về quê thăm ông bà thì nên cẩn thận bảo vệ bé khỏi nắng nóng, khói bụi. Đừng quên các loại thuốc cơ bản: băng bông, thuốc cảm sốt, thuốc bôi muỗi đốt, côn trùng cắn,… để xử lý kịp thời trước mọi tình huống xảy ra.

Mách nhỏ cho gia đình
Trong tủ lạnh, nên có hộp nhựa bảo quản thức ăn dành riêng cho bé trong độ tuổi ăn dặm vừa để bảo đảm vệ sinh, vừa có nhiệm vụ… “nhắc nhở” tích cực với mẹ.
Sức khỏe trẻ con là rất quan trọng, vì thế mẹ nên tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc ăn uống, nghỉ ngơi cho trẻ, đừng có nhiều “ngoại lệ” mẹ nhé!
Luôn để mắt đến khẩu phần ăn của trẻ em. Cả gia đình nên nghĩ ra nhiều trò chơi vận động vui nhộn và rủ bé chơi chung để giúp bé vận động, tiêu hao năng lượng.
Dự trữ sẵn một số thuốc, dụng cụ y tế quan trọng như: thuốc hạ sốt, viên bù nước,… để kịp thời xử lý những trường hợp bé bị cảm sốt, tiêu chảy.
Cẩn trọng khi cho trẻ ăn các loại hạt thường có trong ngày Tết như hạt dưa, hướng dương, hạt dẻ,… Trẻ sơ sinh có thể nuốt phải và bị hóc, tắc đường thở.

Tết sắp đến rồi, cả nhà đều nô nức, hân hoan đón Tết, thế nhưng bố mẹ hãy cố gắng duy trì lối sống lành mạnh, năng vận động để ra Tết cả nhà vẫn khỏe vẫn vui nhé!

Chia sẻ:

  • twitter twitter
  • facebook facebook
  • linkin linkin
  • google+ google+
  • pinterest pinterest
show off
up